Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Chuyên trang tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phân biệt giữa tố cáo và tố giác

Tố cáo và tố giác là hai khái niệm pháp lý tưởng chừng giống nhau nhưng lại có những khác biệt then chốt. Hiểu rõ ranh giới này sẽ giúp nắm vững cách thức và thẩm quyền giải quyết khi gặp phải hành vi vi phạm pháp luật.

 

Tố cáo và tố giác: Khái niệm và phạm vi

Liên quan đến khái niệm tố cáo, cũng cần bàn thêm về các khái niệm hiện nay được sử dụng nhiều, có ý nghĩa gần giống với tố cáo song không hoàn toàn đổng nhất với tố cáo. Đó là các khái niệm về tố giác.

Theo TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: "Tố cáo là sự phản ứng của xã hội trước những hành vi sai trái nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và cá nhân, đồng thời bảo đảm trật tự xã hội." Điều này cho thấy tố cáo có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả việc phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nói chung, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi các hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Theo khoản 1, Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo được định nghĩa là: "Việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức."

Trong khi đó, tố giác và tin báo về tội phạm được quy định tại Điều 144 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền, còn tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ảnh minh họa 

Những điểm khác biệt cơ bản

Mặc dù tố cáo và tố giác đều liên quan đến việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng chúng có những điểm khác biệt quan trọng. Tố cáo có phạm vi rộng hơn, bao gồm cả những vi phạm hành chính, trong khi tố giác và tin báo về tội phạm chủ yếu liên quan đến các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc tố cáo và giải quyết tố cáo phải tuân thủ quy định của Luật Tố cáo, trong khi tố giác và tin báo về tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo TS. Đinh Văn Minh, chủ thể của tố cáo và tố giác chỉ có thể là cá nhân, trong khi chủ thể của tin báo về tội phạm có thể là cơ quan hoặc tổ chức. Điều này cho thấy, xét về tính chất, tố giác và tố cáo gần gũi nhau về chủ thể, nhưng tố giác và tin báo về tội phạm lại giống nhau ở đối tượng bị tố cáo.

Khái niệm về tố cáo hành chính

Thời gian gần đây, thuật ngữ "tố cáo hành chính" đã xuất hiện để phân biệt tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước với các loại tố cáo khác. Mặc dù khái niệm này chưa được chính thức quy định trong các văn bản pháp luật, nhưng thực tiễn giải quyết khiếu nại tố cáo cho thấy, tố cáo hành chính thường liên quan đến các vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ và thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước.

TS. Đinh Văn Minh cho biết, "Tố cáo hành chính là việc công dân báo cho cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước biết hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó khi cho rằng hành vi đó vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội và của công dân."

Việc phân biệt giữa tố cáo và tố giác không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội. Sự phân biệt này giúp xác định rõ ràng hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, từ đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và giữ vững an ninh trật tự xã hội.

Dương Nguyễn

Nguồn: Thanhtravietnam.vn