Kết quả 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân của tỉnh Lạng Sơn
Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, những năm qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được UBND tỉnh Lạng Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ngay sau khi Luật Tiếp công dân năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác tiếp công dân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiều hình thức... Qua đó, nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết kiếu nại, tố cáo và kỹ năng vận động, thuyết phục, giải thích pháp luật tiếp tục được nâng cao.
Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ
Trong 10 năm qua, các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 59.232 lượt/63.354 công dân, trong đó: tiếp công dân thường xuyên là 35.704 lượt/ 37.692 công dân; Thủ trưởng tiếp công dân định kỳ là 54.192 kỳ/ 19.248 lượt/ 21.241 công dân, ủy quyền tiếp là 1.163 kỳ/ 4.280 lượt/ 4.421 công dân; số đoàn đông người được tiếp là 528 đoàn/5.573 công dân; tiếp nhận 50.313 đơn, trong đó số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp là 33.178 đơn, đã giải quyết 29.798 đơn/33.178 đơn, đạt tỷ lệ 89,8%. Nội dung công dân trình bày chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm tỷ lệ trên 80% số lượt tiếp công dân), việc thực hiện các chế độ, chính sách xã hội...
Sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật tiếp công dân, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Việc thực hiện công tác tiếp công dân đã được quan tâm cả về nhân lực và cơ sở vật chất, ngày càng đi vào nề nếp; công tác tiếp nhận, xử lý, phân loại đơn của công dân cơ bản được thực hiện theo quy định; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện; vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài được giải quyết dứt điểm; quá trình giải quyết đã chú trọng công tác đối thoại với công dân, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; trên địa bàn không phát sinh thành “điểm nóng”; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Hằng Chi